Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Thông tư 20 giải cứu thị trường đất nền

Liên bộ Xây dựng - Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch số 20 hướng dẫn một số nội dung thi hành Nghị định 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Theo một số doanh nghiệp BĐS, Thông tư 20 dù mới có hiệu lực nhưng đã mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường đất nền, tuy nhiên cần phải quy định cụ thể và quản chặt hạ tầng.

Có những khu đất dù nằm trong khu trung tâm nhưng vướng hẻm, giao thông bất lợi, nếu xây dựng chung cư càng ngột ngạt, giao thông ách tắc. Tốt hơn là phân lô bán nền để giảm áp lực về dân số. Tại quận Gò Vấp, trước đây có một dự án nhà ở chủ đầu tư phân lô và xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, nhưng thành phố không cho phân lô bán nền, buộc phải xây chung cư Bảo Ngọc Tú, nên dự án này đứng tại chỗ. Lý do là xe tải vào thi công không được và xây chung cư ở đây cũng chẳng ai mua.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh Land

 Kỳ vọng thanh khoản trở lại


 Đầu tư hạ tầng trước khi chuyển giao cho người dân có nghĩa là khu vực được bán nền đất phải đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (đường giao thông, điện, hệ thống cấp - thoát nước…), bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung trong vùng. Người được chuyển quyền sử dụng đất để tự xây nhà ở phải thực hiện theo đúng giấy phép xây dựng, tuân thủ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã được phê duyệt. Sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh quy định các khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh Land, cho rằng trong khi nhiều dự án đang phải chấp nhận bán cắt lỗ, Thông tư 20 sẽ góp phần tháo gỡ khâu huy động vốn, giúp dự án chuyển động nhanh hơn. Hàng loạt chính sách gỡ khó cho BĐS đã giúp khách hàng lấy lại niềm tin và quay lại thị trường BĐS.

Các dự án đất nền vùng ven với giá rẻ, có tiến độ thi công tốt, hạ tầng hoàn chỉnh kèm theo các tiện ích vượt trội, chủ đầu tư uy tín, phương thức bán linh hoạt và pháp lý rõ ràng sẽ thu hút sự quan tâm của người mua bởi phù hợp với nhu cầu. Tuy nhiên, theo ông Cường, thời gian triển khai một dự án hiện nay vẫn còn nhiêu khê, từ khâu thống nhất về mặt chủ trương đến các thủ tục phê duyệt, cấp phép.


Kể từ ngày 5/1/2014, theo quy định tại Thông tư 20, các khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất  nếu đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở có thể gồm một khu vực có nhiều dự án hoặc một phần của dự án, tùy theo nhu cầu phát triển đô thị, khả năng huy động các nguồn lực và đề xuất của chủ đầu tư nhưng phải phù hợp với quy hoạch đô thị đã phê duyệt.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, quy định trước đây chỉ cho phép các khu đô thị được bán nhà đã xây chứ không được bán quyền sử dụng đất, đã làm cho thanh khoản hạn chế nhiều, bởi đa số tâm lý của khách hàng chỉ muốn mua đất, sau đó tự xây nhà.

Thời gian qua,  dù thị trường khó khăn, song tại tỉnh Bình Dương, các dự án đất nền có sổ đỏ luôn thu hút khách hàng. Với quy định cho phép phân lô bán nền lần này, kỳ vọng sẽ làm cho thanh khoản thị trường đất nền tăng cao và sẽ hút được dòng vốn mới vào thị trường BĐS. Ông Tuấn cho biết đến ngày 5/1/2014, quy định cho phép phân lô bán nền chính thức có hiệu lực đã mang lại hiệu ứng nhất định với thị trường, khá nhiều khách hàng, trong đó có cả các nhà đầu tư, tỏ ra quan tâm tìm hiểu trở lại các dự án đất nền ở Bình Dương. Điển hình là dự án IJC@VSIP do Công ty Tấc Đất Tấc Vàng phân phối có lượng khách hàng tìm hiểu và giao dịch tăng đột biến, công ty đưa đón hơn 200 khách hàng đi tham quan thực tế dự án.



Quản chặt hạ tầng

Trước đây, Tp.HCM cũng như những thành phố lớn trên cả nước từng diễn ra tình trạng phân lô bán nền. Xuất phát từ nhu cầu BĐS giá rẻ của người dân từ nội thành cho đến vùng ven, ở đâu người ta cũng có thể cắm cọc, phân lô sang nhượng thoải mái mà không cần lập quy hoạch dự án.

 Do đó, hệ quả là nạn xây nhà trái phép, không phép, nhà xây xong không được cấp giấy chủ quyền. Rất nhiều khu vực dân cư mọc lên nhưng lại không có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Để chấn chỉnh lại thị trường BĐS, kể từ khi có Luật đất đai, các nghị định, thông tư hướng dẫn về sau đã cấm hình thức phân lô bán nền, bán nhà thô.

Bên cạnh đó, khi để người dân tự xây nhà nếu không khống chế tầng cao, khoảng lùi, mẫu nhà sẽ phá vỡ kiến trúc cảnh quan, quy hoạch chung của khu vực. Đồng thời cần quy định thời hạn 3 hoặc 5 năm người dân phải cất nhà nhằm hạn chế hiện tượng “đô thị hoang”, “đô thị ma” như thời gian qua. Đối với quy định không cho phép phân lô bán nền ở khu vực nội thành, nên chỉ cụ thể đâu là nội thành, đâu là ngoại thành.

Chẳng hạn quận 9 hay Thủ Đức được cho là vùng ven nhưng không thể phân lô bán nền bừa bãi ở các khu trung tâm đã có dân cư sầm uất. Dựa vào tình hình và nhu cầu thực tế, cơ quan chức năng cần linh hoạt trong việc xác định ở đâu cần phân lô bán nền, ở đâu cần phát triển chung cư. Điều quan trọng là chúng ta biết sử dụng, khai thác BĐS đó một cách tối ưu, mang lại giá trị và hiệu quả cao nhất.

Theo một chuyên gia BĐS, Thông tư 20 ràng buộc điều kiện chủ đầu tư phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trước khi bán nền là một sự “tiến bộ”, song phải xác định diện tích tối thiểu của dự án đó là bao nhiêu để tránh hiện tượng manh mún, lách luật, “ăn ké” hạ tầng.



Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Tây Sài Gòn: cuộc chiến nhà giá rẻ

Khi Đại lộ Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt đưa vào sử dụng, cùng với việc nâng cấp Quốc lộ 1A, đã tạo đòn bẩy giúp khu Tây TPHCM phát triển.
Khác với Phú Mỹ Hưng hay Thủ Thiêm tập trung phân khúc cao cấp, BĐS khu Tây TP lại là cuộc chiến của các dự án thuộc phân khúc nhà giá rẻ.


Người may mắn

Khu vực Tây TP gồm các quận 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh. Xét về vị trí địa lý và tốc độ đô thị hóa, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh nhìn chung còn khá "nhà quê". Dù vậy, nhu cầu về nhà ở khu vực này khá cao vì các nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp dời ra ngoại thành ngày càng nhiều. Vào thời điểm thị trường BĐS sốt, trong khi đa số công ty BĐS chen chúc vào trung tâm TP, Công ty Lê Thành đi ngược ra vùng ven làm nhà giá rẻ.
2 dự án chung cư Lê Thành (A và B) trên đường An Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân), với gần 1.200 căn hộ hiện đã kín người ở có thể xem là thành công đáng ghi nhận. Năm 2007, 2008, giá căn hộ Lê Thành bán ra 7-8 triệu đồng/m2, sau có tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp 13-14 triệu đồng/m2. Hiện công ty đang tập trung xây dựng 2 dự án nhà giá rẻ khác là Lê Thành Twin Tower 600 căn hộ (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) và Lê Thành Tân Tạo 2.000 căn hộ (phường Tân Tạo, quận Bình Tân).
Cùng với hình thức bán đứt căn hộ, 2 dự án này còn được chủ đầu tư cho thuê trong vòng 49 năm. Như căn hộ khoảng 68m2 tại Lê Thành Twin Tower có giá bán đứt đoạn 1,08 tỷ đồng, trong khi cho thuê 49 năm có giá 778 triệu đồng (ký hợp đồng thanh toán 300 triệu đồng, còn lại trả 12 triệu đồng/tháng). Dự án Lê Thành Tân Tạo cho thuê 49 năm với giá 330-400 triệu đồng/căn hộ 2 phòng ngủ (ký hợp đồng thanh toán 50 triệu đồng, mỗi tháng thanh toán 6 triệu đồng).
Dự án EHome 3 tọa lạc tại đường Hồ Ngọc Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân), do Công ty Nam Long làm chủ đầu tư cũng đang thu hút sự chú ý của khách hàng. EHome 3 có quy mô 13 block xây dựng trên khu đất rộng khoảng 6ha, với khoảng 2.200 căn hộ diện tích từ 50m2 trở lên.
Theo đánh giá của khách hàng, dù thiết kế căn hộ không đẹp, nhưng yếu tố diện tích nhỏ, giá phù hợp, thanh toán thành nhiều đợt, môi trường sống tốt là ưu điểm của dòng EHome 3. Ghi nhận cho thấy, trong 14 block, hiện block B1 và A6 đã bán hết, người ở khoảng 80%; block A5 đang hoàn thiện và đã bán hết.
Thừa thắng xông lên, chủ đầu tư tiếp tục xây dựng block A1 và A2 (mới triển khai), A3 và A4 (xây đến tầng 4) có giá khoảng 14-15 triệu đồng/m2. Một nhân viên sale của Nam Long cho biết: "Nếu thuận lợi, trong vòng 3 năm nữa, 13 block trong dự án EHome 3 sẽ hoàn thiện. Nam Long đang xây dựng kế hoạch cho dòng EHome thứ 11".

Kẻ trắng tay

Bên cạnh những thành công của phân khúc nhà giá rẻ, thị trường BĐS khu Tây thời gian qua cũng chứng kiến nhiều cú ngã đau đớn. Đơn cử, dự án chung cư 584 Tân Kiên của CTCP 584 làm chủ đầu tư đến nay vẫn chưa có lối thoát.
Được khởi công vào năm 2007, thời điểm thị trường BĐS đang sốt giá phân khúc nhà cao, trung cấp, dự án chung cư 584 Tân Kiên đi vào khai thác phân khúc giá rẻ, với giá 8-9 triệu đồng/m2. Dự án có quy mô khoảng 1.000 căn hộ, diện tích trên 85m2, tổng vốn đầu tư trên 573 tỷ đồng. Tuy nhiên, công trình gồm 2 khối nhà, 1 khối hoàn thiện 3-4 năm nay mới có 60 người ở, khối còn lại cơ bản hoàn thiện phần thô đã ngưng thi công 2 năm nay do kẹt vốn. Số nhân viên quản lý, bảo vệ tại dự án theo đó cũng bị cắt giảm còn vài người, đèn chiếu sáng hành lang những tầng không có hộ ở được gỡ xuống để tiết kiệm.
Theo tìm hiểu, do căn hộ bán không được nên chủ đầu tư xin chuyển đổi thành bệnh viện hoặc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đề nghị này không hợp lý vì không phù hợp quy hoạch, căn hộ diện tích lớn không thể chuyển đổi thành nhà ở xã hội và bị khách hàng khiếu nại.
Chung cư 584 Tân Kiên đã ngưng thi công 2 năm nay
Trường hợp sa lầy tiếp theo là dự án Thảo Loan Plaza (huyện Bình Chánh). Dự án gồm 9 block chung cư khoảng 664 căn hộ, đến nay chủ đầu tư mới xây dựng xong phần thô được 2 block, với 164 căn hộ. Vì khó khăn về vốn nên dự án phải dừng thi công. Mới đây, khách hàng đã kéo đến trụ sở Công ty Thảo Loan tố cáo hành vi chiếm dụng vốn, lừa đảo, chậm bàn giao căn hộ so với hợp đồng gần 2 năm.
Theo phản ánh của một số khách hàng, chủ đầu tư cam kết trong hợp đồng đến tháng 2-2012 sẽ bàn giao căn hộ, nhưng đến nay dự án vẫn là khối nhà xây dở dang. Việc chậm bàn giao căn hộ đã gây thiệt hại lớn cho khách hàng, nhất là những trường hợp đã thanh toán 80-90% giá trị căn hộ. Không riêng gì khách hàng, CTCP Địa ốc Hòa Bình là nhà thầu của dự án cũng bị chôn vốn tại dự án trên.
Được biết, Công ty Hòa Bình nhận thầu và tổ chức thi công dự án Thảo Loan Plaza phần thô, đến khi bàn giao, chủ đầu tư lại không có tiền trả và yêu cầu trả bằng 25 căn hộ, khoảng 33 tỷ đồng. Số căn hộ này được Công ty Hòa Bình bán lại cho nhiều người.


Theo chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS, trong năm 2013, TPHCM hầu như không có dự án mới, chỉ tập trung giải quyết hàng tồn từ chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp. Những dự án thanh khoản tốt hiện nay đều nằm ở mức giá trung bình nhưng chất lượng đảm bảo, triển khai đúng tiến độ và phương thức thanh toán linh hoạt bằng nhiều đợt. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã hợp tác với ngân hàng hỗ trợ khách hàng vay trả chậm với lãi suất thấp.

Theo Sài Gòn Đầu Tư